Tiền tệ Kinh_tế_Đại_Việt_thời_Tây_Sơn

Các vua nhà Tây Sơn chủ yếu đúc tiền bằng đồng. Tiền kẽm chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là tiền của vua Thái Đức trong thời gian đầu, khi Tây Sơn chưa kiểm soát được miền Bắc vì vùng Thuận HóaQuảng Nam không có mỏ đồng. Nhà Tây Sơn phải thu các đồng tiền bằng đồng của nhà Hậu Lê làm nguyên liệu đúc ra tiền mới, mỏng nhẹ dễ lưu thông, với số lượng lớn[9].

Vua Cảnh Thịnh có đúc những đồng tiền cỡ lớn như tiền Cảnh Hưng nhà Hậu Lê, nhưng ngày nay không có sử liệu nào ghi chép tỷ giá giữa tiền nhỏ và tiền lớn ra sao[10].

Ở ngay những miền biên viễn như Móng Cái (Quảng Ninh) hay ở hải đảo xa như Vân Hải, tiền Quang Trung và Cảnh Thịnh cũng được phân bố nhiều và là hiện vật khảo cổ phong phú nhất, dễ kiếm nhất. Các sử gia cho rằng điều đó phản ánh chính sách kinh tế của nhà Tây Sơn, luôn đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế độc lập và giàu mạnh[11].

Ngoài những đồng tiền thông thường như các triều đại khác có mặt trước đề niên hiệu vua (kèm theo chữ thông bảo/đại bảo), mặt sau để trống, như Thái Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo, Quang Trung đại bảo, Cảnh Thịnh thông bảo, Cảnh Thịnh đại bảo và Bảo Hưng thông bảo, nhà Tây Sơn còn có một số đồng tiền khác lạ được giới khảo cổ ghi nhận:

  1. Quang Trung thông bảo 2 mặt giống nhau[12].
  2. Mặt trước Quang Trung thông bảo, mặt kia là Quang Trung đại bảo[12].
  3. Cảnh Thịnh thông bảo 2 mặt giống nhau[12].
  4. Một mặt Cảnh Thịnh thông bảo mặt kia Quang Trung thông bảo[12].
  5. Tiền Quang Trung thông bảo – mặt lưng có hai chữ An Nam. Đây là loại tiền dùng trong ngoại giao của nhà Tây Sơn. Vua Quang Trung dùng tiền này đưa kèm sang cùng đồ triều cống cho Càn Long trong lần sai sứ sang cầu phong[13].